Sunday, December 8, 2013

SÔNG CÀ TY CHIA ÐÔI BỜ PHAN THIẾT

Tôi sinh và lớn lên tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, phần đất cuối cùng của miền Trung nuớc Việt, mưa nắng khắc nghiệt và chinh chiến triền miên trong suốt ba trăm năm thành lập. Nhưng Bình Thuận non nước hữu tình, nhất là Phan Thiết quê tôi, nơi có con sông Cà Ty , ngăn đôi bờ Phố Thị.

Sông phát nguồn từ cao nguyên phía Tây, dài 27 km, chảy theo hướng Ðông-Nam, quanh năm suốt tháng nước chảy xanh ngắt, như đôi mắt đẹp của những người con gái đất PhanThành. Sông lững lờ xuôi ngược, qua những thôn làng ruộng rẫy, nương dâu và vướn cây ăn trái của các xã Mường Mán, Phú Hội, Phú Lâm, Phan Thiết, trước khi tìm về biển rộng tại cửa Thương Chánh, nhấp nhô sóng vỗ bạc ghềnh.

Ðến chơi Bình Thuận xưa nay, khách xa ai cũng mến Lầu Nước, Sông Mướng, Cát Ðộng và những mối tình thơ của người miền biển. Nhìn tấm bản đồ cỗ của Phan Thiết, lập trong giai đọan 1691ố1725, ta thấy có ghi tên SÔNG CÀ TY. Giống như con người, mỗi giòng sông ở trên cõi đời này, đều mang một cái tên, và cũng tuỳ theo chủ của nó, cái tên đẹp, xấu, thô lậu hay hoa mỹ được chào đời.

Cà Ty là con sông thiêng của quê tôi, chỉ khúc sông ở hạ nguồn, chảy qua thành phố Phan Thiết, hiện có ba chiếc cầu xinh xắn bắt ngang, nối đôi bờ bến mộng, giống như những cái tên Bạch Hổ, Trường Tiền, Kim Long trên giòng sông Hương nơi đất thần kinh hoa mộng:

‘Trăng sáng Mường Giang đẹp biết bao
lăn tăn nước gợn ánh đèn màu
thuyền con lơ lững chèo xuôi mái
buồn lòng cô gái hát nghêu ngao.. ’ ’

Là dân bản địa, sinh và lớn lên ở Phan Thiết, thật tình nhiều người không biết phải gọi dòng sông thân thương của quê hương mình, bằng một cái tên gì cho hợp lý , bởi vì chính nó đã có quá nhiều tên gọi từ trong sách vở, cũng như ngoài đời.

Thật vậy, ngay từ khi Dinh Bình Thuận được thành lập năm 1697, vối bốn đạo Phan Rang, Phố Hải, Phan Thiết và Ma Ly, thì con sông chảy qua miền đất Hamu Li’Thit được gọi là sông PHAN. Ðến đời Tự Ðức lại gọi là sông Mường Mán hay sông Bao Lân. Từ đó tới nay, cái tên này vẫn được lưu giữ nhưng người Phan Thiết cẩn thận hơn, dùng thêm cái tên xa xưa CÀ TY để chỉ khúc sông phiá hạ nguồn, từ Phú Hội Phú Mỹ ra tới cửa Thương Chánh. Tóm lại dù có gọi dòng sông bằng một cái tên gì chăng nữa, thì tự nó suốt ba trăm năm qua, cũng đứng làm nhân chứng cho các giai đoạn thăng trầm thê thiết của lịch sử cũng như những nét kiêu sa thơ mộng của dòng sông đã trao gởi với cuộc đời.

Viết về dòng sông nơi chôn nhau cắt rún, đó đây như còn phảng phất trong sương sớm, chiều tàn, giữa những trưa hè cảnh đời im vắng trên con nước chảy lặng lờ, là hình ảnh cũa những chí sĩ yêu nước Phan Thành như Nguyễn Thông, Trà Quý Bình, Trần thiện Chánh, Trương gia Hội, đứng lặng lẽ trước Ngọa Du Sào, bên này bờ sông, nhìn núi xa mờ, nhìn mây tan tác, mà thương khóc cho đất nước trong buổi nhục hèn. Cũng trên bến sông buồn, trăm năm sau đó, nhà thơ Phạm đình Thừa trước nỗi cát lở sông bồi của một dòng sông, như chính nổi trôi của thân phận đời, đã viết những câu thơ thật buồn :

‘chút biển mặn, một thời thơ dại cũ,
là hành trang trên vạn nẽo luân hồi
Ðể một hôm oan khiên đà say ngủ
tôi với em vượt vùng cát sông bồi’

Người xưa và kẻ nay, những bậc đại trượng phu toan tính sự đời, nuôi dưỡng hùng chí, đều ra tâm sự với dòng sông, với con nước lúc lớn, lúc ròng:

‘Mường Giang tiếng gọi sông
người đi nhớ thương dòng
ôm quê vào giấc mộng
thơ sóng dậy biển đông’
( Cát Biển)
Dòng sông xưa, cầu quan mấy nhịp? tất cả đều nguyên vẹn nhưng tất cả cũng thay đổi nảo nề. Trên sông ghe thuyền vẫn tấp nập, nhưng tiếng gọi đò không còn. Bến xưa Văn Thánh, nơi cắm sào của những chàng trai Phan Thiết một thời bỏ tình, bỏ hết ra đi vì nước non, nhưng hởi ơi khi chàng trở lại, mới biết tuổi xuân của mình đã hy sinh vô nghĩa vì Pháp ra đi, thì Việt Cộng trở lại, cả hai đều bạo ngược tham tàn. Hoá ra chừng nào nước non mới hết giặc, vậy chẳng hy sinh vô nghĩa là gì?

Dòng sông như bí mật của một đời người, ngày xưa người Phan Thiết làm sao biết được những gì có ở thượng nguồn con sông, cùng lắm là ai có dịp đi xe lửa Sài Gòn - Phan Thiết, chạy ngang chiếc cầu sắt bắt vắt vẽo ngang sông, nhìn xuống cầu sâu thăm thẳm để thấy dòng nước trong veo, từ đây sẽ chảy về Phan Thiết thế thôi. Giờ thì bí mật đã bật mí với các con suối thượng nguồn, nào suối vàng, suối vận, suối thi, Yôtô, Cầm Hang, Yau, Ngư.. làm nên các con sông nhỏ Rao-Ét, Mán, Linh.. tất cả kết lại mới nên một dòng sông Cà Ty nơi hạ nguồn thơ mộng, chia đôi bờ Phan Thiết.

Cửa sông giờ rộng mênh mang, bờ này nhìn sang bờ kia chập chờn sương khói vì tất cả những xóm nhà chồ hai bờ bến cũ đã bị đuổi dời, cũng như chính cái xóm nhà lá khao khít lấn chen của khu 6 Cồn Chà Ðức Thắng, với hơn 600 hộ cũng không còn. Bên kia sông thuộc Vĩnh Phú, Hưng Long nay là bến kè để thuyền bè đậu, trên đê là đường xe chạy. Bên này sông, nay gọi là CẢNG CÁ PHAN THIẾT, như quảng cáo trên báo chí, thì đó là 1 trong chín hải cảng lớn nhất Việt Nam hiện nay, vì thời gian thực hiện rất là dài và trên hết đã ngốn một ngân khoản vay của ngoại quốc quá lớn.
Cảng cá khởi công ngày 22/12/1993 và khánh thành ngày 24/12/2001 sau tám năm. Ngoài số tiền trong nước góp vốn gần 20 tỷ đồng tiền Hồ, tất cả là tiền vay của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) chiếm 78% số vốn với 71,3 tỷ đồng tiền Hồ. Cảng hiện tại gồm có các bến tàu liên tiếp như bến 40 CV dài 212 m, bến 400 CB dài 90 m, bến cồn chà dái 112m. Chung quanh các bến đều có kè bao bọc, bảo vệ như kè chắn sóng C- 1 dài 400m, kè C- 2 dài 530m, kè bảo vệ bờ dài 404 m. Diện tích toàn thể bến cảng là 21.872 m2, hệ thống thoát nước 2352m, cấp nước 1540m, cổng tường cao 690m, bãi tiếp nhận hải sản 1440 m2, đường giao thông 19.126 m2.. Tóm lại hải cảng bây giờ rất rộng, có đủ chỗ cho các loại tàu thuyền ghé bến, với tổng diện tích trên bộ là 37 ha và 27 ha dưới nước dành chỗ cho tàu đánh cá neo đậu. Bên trong vòng tường cảng có đủ chợ cá, cây xăng dầu, nhà máy nước đá, tiệm ăn, nhà buôn, bến xe các loại. Bến cảng có khả năng tiếp nhận thường trực các loại tàu thuyền trọng tải từ 500-700T ra vào. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành xong con đường quốc lộ 28 (Liên Tỉnh Lộ 8 Di Linh - Phan Thiết ), hải cảng trên sẽ là cửa ngõ của miền nam Cao Nguyên Trung Phần thông với biển.

Nhiều nhà cửa, nhất là các xóm nhà chồ ở Bình Hưng, Hưng Long, Phú Trinh, Ðức Nghĩa.. bị giải toả để kè bờ và mở rộng dòng sông cho phù hợp với tình trạng thuyền bè mỗi ngày mỗi nhiều. Một chiếc cầu treo dài 106 m, đã được bắt ngang sông Cà Ty, để thay thế chiếc cầu sắt cũ đầu đường Nguyễn Hoàng. Nói chung là thế, nói gì thì nói, đổi gì thì đổi nhưng còn lâu mới nhận chìm được những nét đặc dị của người Phan Thiết đã có và tồn tại suốt 300 năm qua. Dối trá, mị hoặc, hành động bất nhơn bất nghĩa giờ ai cũng biết, nên tất cả rồi cũng sẽ như đám mây trời bảng lảng, chới với mù sương tận thượng nguồn con sông Mường Mán, mà ta thường bắt gặp một cách tình cờ.

‘ Vậy mà cũng đã bao năm,
cùng nhau khóc chuyện, thế nhân đổi dời
Anh làm Cát Biển trùng khơi
Tôi dòng sông nhỏ, một đời mênh mông
ngẩn trông mây nổi bềnh bồng
đường quê, nhớ buổi qua sông đợi đò
thuở nào xây mộng trăng mơ
bây giờ cô quạnh, đôi bờ hoang liêu
nổi xưa tóc bạc thêm nhiều
mà người muôn dặm, chim chiều vẫn bay
năm nào quán khách vào đây
chuyện trò, thơ nhạc, ngất ngây miên trường
đêm cùng đêm khóc quê hương
gỏ bờ ly, hát khúc tương tư sầu
nay Anh trôi giạt về đâu ?
để cho triều nước hằn sâu cát buồn
bâng khuâng đếm giọt mưa tuôn
mưa trên gác xếp tưởng chân ai về
thoi về nối lại đam mê
để còn đeo đẳng trăm bề vấn vương
Ðạm Tiến nấm đất bên đường
Mường Giang-Cát Biển, ngàn phương sẳn dành..

Xóm Cồn
Cuối tháng 11-2013
Mường Giang

1 comment: