Tuesday, October 4, 2016

NHÌN LẠI TỔ QUỐC MÌNH

 Giáo sư người Nhật, ông Yoshinori Ohsumi vừa nhận được giải Nobel Y học.
Có nhiều người rỉ tai nhau không hẳn chỉ riêng về nỗi sợ hãi khi nói tới chính trị hoặc những thứ liên quan đến quyền con người, sự tự do và dân chủ. Họ còn rỉ vào tai nhau về một thứ nhận thức đồi bại, ấy là, đất nước mình được như ngày hôm nay là quá tốt rồi, là may mắn, là phải biết ơn một vài nhóm người, và nước này cũng đặc thù nên không thể đưa ra những cơ chế như những quốc gia văn minh khác được.
Chúng rỉ tai nhau về nỗi sợ hãi và sự hài lòng hèn mọn về những nhu cầu cá nhân, vị kỷ, để trốn tránh trách nhiệm của một con người đối với tổ quốc mình. Họ chấp nhận sống như những kẻ ngu đần, bần tiện và với những giá trị sống thấp kém, tồi tệ.
Họ thầm lặng sống, họ an phận thủ thường, họ thoả mãn nhu cầu sinh học, họ vui vẻ và tự huyễn hoặc mà nói với nhau về việc đã đạt được những giá trị của sự hèn mọn đó, và họ né tránh cũng như tìm mọi cách để cốt sao cho chối bỏ trách nhiệm quốc dân của mình trước xã tắc và quốc gia, mà thực tất cả tài sản của đất nước này là thuộc về họ và sẽ thành di sản dành cho con cháu họ, trong đó có con cháu chúng ta cùng sinh ra, lớn lên và chung sống.
Môi trường, không khí, biển, nước, đất đai, sông hồ, thực phẩm, giáo dục, chính trị, kinh tế, đều là nguồn sống chung cho tất thảy những công dân của một dân tộc, nhưng trớ trêu thay, ở đất nước này, đa phần họ dửng dưng và đổ vấy điều đó, hoặc cho nhà nước, hoặc cho những con người khác mà tự cảm thấy rằng đó là thuộc trách nhiệm của bản thân mà cần phải lên tiếng hay đòi hỏi, còn họ vô can, và đó là thứ dẫn đến thói vô cảm, bạc nhược trước những thảm cảnh ngày nay khi đất nước ngày càng mục nát, tồi tàn và tan hoang, kiệt quệ, từ giặc trong, thù ngoài hoành hành và tàn phá, một cách ngang nhiên.
Họ định kiếm tiền rồi lại bỏ tiền ra để chữa bệnh hoặc cứu vớt lấy những giá trị nhân tính bị chà đạp vào một ngày nào đó khi họ trở thành nạn nhân của môi trường sống, của xã hội, nơi mà chính họ đã góp một phần vào sự tàn phá đó bởi sự vô can của mình?
Họ định dạy gì cho con cháu khi ngay chính họ không còn niềm tin với xã hội, trong một nền giáo dục lạc hậu, thành tích, giữa một nền văn hoá cổ hủ, tha hoá, bạo lực, và ngay chính họ còn sẵn tâm làm điều bất minh để kiếm tiền, thì họ sẽ dạy con cháu mình tử tế ra sao và bằng chuẩn mực nào, nếu bản thân không thấy hổ thẹn mà thay đổi theo chiều ngược lại và tốt lên?
Trong xã hội bất an, sự rủi ro và những hiểm nguy rình rập bủa vây, chúng đều có thể xảy ra và ập đến với bất kỳ ai, mà nếu chỉ lo kiếm tiền, không hiểu biết về xã hội và lại cũng ít khi nào dùng đến luật pháp làm thước đo cho hành vi và sự chuẩn mực, thì khi có chuyện xảy đến, chúng ta sẽ làm gì để đòi hỏi công lý hay lẽ phải, bởi, chúng ta đâu có dùng luật pháp để làm thước đo mà phân xử trong lẽ đời thường khi duy trì trật tự xã hội?
Và nếu một quốc gia mà hiện diện đầy đủ dân chủ, tự do và nhân quyền, thì hà cớ sao người dân ở trên đất nước đó lại e dè và sợ hãi đến thế khi nói về chúng? Họ chỉ dám bàn tán lén lút, răn đe mình và cản ngăn người khác nói đến những thứ ấy? Tại sao họ lại rỉ tai nhau về nỗi sợ hãi, của việc nói lên quan điểm theo ngược chiều tư tưởng, về sự thật và những bất đồng?
Và mỗi khi nhìn ra thế giới, thấy nhân dân các quốc gia văn minh hào hứng bàn tán, lên tiếng, đòi hỏi và yêu cầu về chuyện đất nước, con người, chuyện bầu cử, kinh tế hay chính sách của quốc gia, rồi vui mừng đón chào những thành quả khoa học mới từ những cá nhân miệt mài cống hiến, ngày đêm làm việc, lao động, không còn phải lo nghĩ những rào cản về chính sách, áp chế về chính trị và khổ sở trong nền giáo dục lạc hậu, mà tôi thấy thèm khát đến tột cùng về việc nơi này, quê hương này, sẽ trở thành một xứ tự do thực sự, con người được giải phóng tư duy, khai sáng trí tuệ, đối đãi tử tế và trung thực với nhau, con người và nhân phẩm của con người được tôn trọng cũng như đảm bảo tuyệt đối bởi luật pháp văn minh, bằng trình độ lý tính và học thuật ở mức độ cao, như phần lơn của thế giới đang bảo đảm cho xã hội, cho công dân của họ, mà hơn thế là hon còn đảm bảo cho cả những công dân ở bất kỳ đâu trên trái đất này có cơ hội để trở thành chính họ và trên đất nước họ.
Nước Nhật, hôm qua lại vinh dự được vinh danh trên khán đài quốc tế về giải Nobel y học của một nhà khoa học 71 tuổi.
Nhìn lại tổ quốc mình, chỉ thấy những đau lòng, bi thương và uẫn phất, trước những mâu thuẫn của xã hội ngày càng lớn và sâu sắc hơn thêm.

No comments:

Post a Comment